Cà Mau: Sự quyến rũ của nước mặn
/Cà Mau
Rừng ngập mặn Cà Mau vốn đã được xếp vào danh sách rừng bảo tồn sinh quyển quốc tế, có diện tích lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rừng ngập mặn Amazon.
Báo Lao ĐộngBáo Lao Động
LTS: Năm 1998, khi được lãnh đạo tỉnh Cà Mau đặt hàng bài viết cho ấn phẩm giới thiệu vùng Đất Mũi, GS-TS Võ Tòng Xuân đã có bài viết nói về lợi thế của nước mặn bằng tiếng Anh “SALINE ATTRACTION”. Tuy nhiên do ngại chạm lại chủ trương “ngọt hóa” của T.Ư nên bài viết chưa được công bố. Nhân sự kiện mặn xâm nhập kỷ lục thế kỷ, GS Võ Tòng Xuân tự dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Sự quyến rũ của nước mặn” và gởi riêng cho Báo Lao Động. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc…
Dưới thời kinh tế tự cung tự cấp, thành tựu của tỉnh chủ yếu dựa vào sản lượng lương thực bình quân đầu người, nước mặn là trở ngại. Còn hiện tại, khi cả nước hướng đến nền kinh tế thị trường, nước mặn lại là lợi thế mà các tỉnh trong vùng nước ngọt không thể nào có được.

Một buổi sáng mùa hè, khi dẫn một nhóm sinh viên đi khảo sát đất ở ấp Long Điền Đông K (Bạc Liêu), chỉ vào tầng đất màu xám xanh dưới tầng đất mặt của phẫu diện, tôi nói với chủ đất - ông Ba Sên: “Nếu bác để đất này khô, nó sẽ trở thành đất phèn, không thể trồng gì được, nhưng khi giữ ruộng ẩm ướt, đất vẫn giữ nguyên độ màu mỡ”. Đối với ông Ba Sên, điều đó không có gì mới, vì ông đã phát hiện ra cách đây nhiều năm, và đã viết trong di chúc cho con trai cả. Đất của ông không chỉ mang lại khoảng 120kg tôm/ha trong mùa hè nắng nóng, sau khi thu hoạch hơn 4 tấn lúa/ha ở vụ mùa chính trước đó… mà còn để nuôi con cháu sau này. Sau đó tôi giới thiệu hệ thống tôm - lúa của ông Ba Sên tại Hội nghị quốc tế về đất phèn lần thứ 4 (1991), nhiều người cảm phục sức sáng tạo của nông dân Việt Nam: Biết cách phát huy vùng đất phèn tiềm tàng nhiễm mặn của mình để hái thành quả ngọt. Thực ra ở Bạc Liêu, Cà Mau có rất nhiều nông dân có óc sáng tạo như ông Ba Sên. Kinh nghiệm đồng áng đã dạy cho họ biết cách biến nước mặn thành lợi thế, không chỉ làm giàu cho gia đình, cho đất nước, mà còn bảo vệ được môi trường bền vững cho những thế hệ sau này.
Khi bàn về Cà Mau, các chuyên gia thường nhắc đến ba nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được khai thác một cách bền vững: Đất nông nghiệp, rừng ngập mặn và biển. Theo hướng đa dạng hóa nông nghiệp, tôi đã phát hiện có khá nhiều tài sản tiềm tàng trong “biển Cà Mau”. Biển Cà Mau có vùng đánh bắt thủy sản kéo dài hơn 200.000km2, với hàng ngàn loài sinh vật biển. Mỗi ngày, nguồn nước mặn giàu phù sa ở đây bồi đắp phù sa quanh Mũi Cà Mau và làm đầy hệ thống sông ngòi kênh rạch. Chính nguồn nước này đã mang lại nguồn cá tôm tự nhiên và kích thích tăng trưởng cây mắm, đước, sú vẹt, đồng thời vỗ béo cho vô số loài tôm, cua, cá sống quanh rễ cây rừng ngập mặn. Và mỗi ngày một lần, những loài hải sản này theo dòng thủy triều đi vào các ao nuôi, làm giàu cho những ai biết cách đầu tư vào nông ngư nghiệp. Hơn nữa, các dòng nước mặn này đã tạo ra cảnh quang tuyệt đẹp, có thể thu hút du lịch sinh thái, cảnh quang đặc biệt của vùng bán đảo Cà Mau này.
Xoay chuyển cùng biến đổi khí hậu
Có dịp tham gia chuyến khảo sát bằng trực thăng vùng nước mặn của bán đảo Cà Mau với đồng chí Mười Kỷ, Bí thư Tỉnh ủy. Đường bay bắt đầu từ Bạc Liêu qua Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Gia Rai, Thới Bình đến Trần Văn Thời. Dưới mắt tôi là những cánh đồng lúa tươi tốt rộng lớn hứa hẹn một mùa bội thu nữa của tỉnh. Hàng trăm ngàn thửa ruộng phủ một màu vàng óng chạy song song với những con mương phèn của các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thới và quanh trung tâm Cà Mau, hình thành một kỹ thuật trồng lúa độc đáo trên đất phèn nhiễm mặn: Tận dụng nước mưa để rửa sạch phèn và mặn giúp gia tăng năng suất lúa trung bình từ 1 tấn lên 4 tấn/ha. Sử dụng nhiều giống lúa hạt dài, thơm, chất lượng cao, và đặc biệt thích hợp với đất phèn nhiễm mặn, chín đều trong mùa nắng khô, cung cấp cho ngành lương thực của tỉnh Cà Mau sản phẩm gạo ngon thu hút được khách hàng trong nước và nước ngoài. Những hàng mía hay khóm thẳng tắp ở Thới Bình và Hồng Dân đã mạnh dạn thách thức độ phèn trong đất. Cây mía có khả năng cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất đường và cây khóm làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến khóm cô đặc. Dọc bờ biển Bạc Liêu đến Vĩnh Lợi, Đầm Dơi, Năm Căn, trên đất bỏ hoang và đất từng được trồng rừng ngập mặn, hàng ngàn vuông tôm đã mọc lên.
Trong vài năm qua, đầu tư của Nhà nước và tư nhân vào việc nuôi tôm và những hải sản khác đã có sự thay đổi theo hướng tận dụng nguồn nước mặn mang lại cho tỉnh hơn 100 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, mỗi năm, vùng Mũi Cà Mau còn được bồi đắp thêm khoảng 100 mét về hướng vịnh Thái Lan. Đây chính là vùng sinh sống mới thu hút nhiều loại cá đến làm giàu cho nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mũi Cà Mau. Việc nuôi tôm ở Cà Mau đã được hình thành theo những cách làm truyền thống. Ở vài nơi, chúng tôi thấy những vuông tôm nuôi thâm canh trên 4-5 tấn/ha. Tất cả những hoạt động này đã làm thay đổi bộ mặt của vùng đất rừng ngập mặn này. Với sự hợp tác của các nhà sinh học, dần dần kiến thức địa phương của người dân Cà Mau sẽ được ghi lại và nâng cao với lý luận khoa học để phổ biến đến nơi khác có điều kiện tương tự. Những phát hiện này sẽ hình thành cơ sở khoa học vững chắc cho những dự án đầu tư lớn với doanh thu cao. Điều thú vị và đặc biệt nhất là những hệ thống nuôi trồng kết hợp lúa - tôm, tràm - cá, đước - tôm. Người nông dân phản ứng nhanh với những tín hiệu của thị trường, và sản xuất rất hiệu quả theo những hệ thống nuôi trồng kết hợp này, chuyển sang nuôi tôm độc canh (với 2-3 vụ/năm) khi giá gạo quá thấp, hoặc ngược lại.
Rừng ngập mặn Cà Mau vốn đã được xếp vào danh sách rừng bảo tồn sinh quyển quốc tế, có diện tích lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rừng ngập mặn Amazon. Rõ ràng vùng đất đặc biệt này cần được bảo vệ. Tuy nhiên, vùng này đang đứng giữa nhu cầu bức thiết một bên là phát triển kinh tế để làm giàu cho cư dân địa phương và bên kia là bảo vệ môi trường. Năm nào các khu rừng tràm cũng bị cháy, còn vùng mắm hay đước đều bị đốn chặt trái phép để xây vuông tôm với mức độ đáng báo động. Cơn bão lớn Linda vào tháng 11.1997 đã phá hủy một diện tích rộng lớn của vùng này. Rất tiếc, nguồn vốn để trồng lại rừng không đủ để khắc phục những thiệt hại này. Làm sao có thể phục hồi những cánh rừng tràm hoa trắng muốt thu hút hàng ngàn con ong mật, rừng mắm tán xanh thẫm, hay rừng đước đứng sừng sững oai vệ bảo vệ trăm đàn cá sinh sản? Những quốc gia láng giềng của Việt Nam như Đài Loan, Thái Lan, Philippines đang hứng lấy hậu quả tai hại từ những trang trại nuôi tôm thâm canh, được xây dựng dọc bờ biển sau khi phá bỏ rừng ngập mặn. Một số quốc gia đã phải cấm nuôi tôm thâm canh để phục hồi môi trường. May mắn là cuộc chiến giữa tôm và rừng ở Cà Mau đã có hướng giải quyết: Hệ thống nuôi trồng tràm - cá tại nông lâm trường Sông Trẹm, hoặc hệ thống đước -t ôm kết hợp tại lâm trường quốc doanh 18/4 là một ví dụ điển hình về hệ thống nông nghiệp sinh thái bền vững. Đầu tư mạnh vào hướng này sẽ nhanh chóng mang lại lợi nhuận cao, đồng thời duy trì được sự cân bằng sinh thái. Gỗ đước và tôm có thể được thu hoạch tốt theo chu kỳ khai thác. Hệ thống nuôi trồng này chắc chắn sẽ cải thiện phúc lợi xã hội và mang lại tương lai tươi sáng hơn cho những vùng nông thôn như thế này.
Những thực thể này đang chờ các nhà kinh doanh và doanh nhân, những người chắc chắn có thêm được một lợi thế nữa khi đầu tư tại đây: Nguồn lao động giá rẻ nhưng thông minh, sáng tạo, và cần cù. Cà Mau cũng là một điểm đến không thể thiếu trong lịch trình du lịch của bạn, đặc biệt là đối với những du khách đam mê du lịch sinh thái. Bạn sẽ được đi xuồng tham quan quanh bán đảo Cà Mau. Bạn vừa được thưởng thức những loài hải sản tươi ngon vừa thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên hai bên bờ sông: Những hàng đước thẳng tắp bên cạnh những tán cây mắm xanh mướt hay cây bần với quả tròn trĩu là đà nhìn xuống những bụi ô-rô và cóc kèn đang cố vươn mình lên để ngắm bầy vịt đang chạy đua trên bờ. Thuyền chở khách du lịch sinh thái sẽ dừng chân ở Đầm Dơi - nơi trú ẩn của các loài chim, trang trại nuôi tôm - kết hợp trồng đước, hoặc nếu có thời gian đi thêm chuyến tham quan đảo Hòn Khoai cũng rất thú vị. Nếu không có thời gian đi thuyền, tại trung tâm Cà Mau, vườn chim Lâm Viên 19/5 - một Cà Mau thu nhỏ. Trên đường quay về, hãy ghé Bạc Liêu thăm sân chim, vườn nhãn cổ trên những giồng cát…
Người dân cần tiếp sức
Người Cà Mau thông minh, sáng tạo. Họ không xem nước mặn là trở ngại, ngược lại, họ biết tận dụng nước mặn để mang lại sự giàu. Vấn đề còn lại là lãnh đạo địa phương, trung ương tạo điều kiện để phát huy, giúp những sáng kiến ấy có điều kiện thể hiện. Theo đó, tỉnh cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng bao gồm khách hạn, viễn thông, hệ thống giao thông công cộng, đường nông thôn… cũng như việc phân phối kịp thời sản phẩm nông nghiệp từ vùng sâu vùng xa, cải thiện giáo dục và y tế nông thôn, đào tạo nghề cho thanh niên để chuẩn bị cho thị trường lao động đòi hỏi tay nghề cao trong tương lai. Sản xuất thủ công mỹ nghệ ở những vùng trọng điểm cũng sẽ được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái cũng như đánh bắt cá trong tương lai. Đánh bắt cá ở những ngư trường rộng sẽ cần đội thuyền được trang bị đầy đủ, hiện đại.
Song song với việc phát triển kiến trúc hạ tầng, Cà Mau đang nỗ lực tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút công nghệ và khoa học thích hợp thực hiện các chương trình trồng trọt, thủy sản, và lâm nghiệp… rồi đầu tư công nghiệp hóa để chế biến hàng tiêu dùng giúp nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng sản phẩm từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đất nhiễm mặn này. Tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều doanh nhân trong nước và ngoài nước đến Cà Mau để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào vùng đất đầy nước mặn này. Ai bảo nước mặn không quyến rũ?